Bác Hồ với việc đọc và tự học/ Vũ Dương Thúy Ngà
Chủ tịch Hồ Chí Minh một danh nhân văn hóa, người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận cách mạng lỗi lạc của nhân dân Việt Nam. Người đã có nhiều công lao đóng góp với non sông đất nước, làm cho hai tiếng “Việt Nam” được vang lên khắp thế giới với niềm kiêu hãnh, tự hào. Biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu đã viết, tìm hiểu về Người với niềm say mê và lòng kính yêu không bao giờ cạn. Trong vô vàn các yếu tố tạo nên phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta không thể không nhắc đến phong cách ham đọc sách báo và tự học suốt đời của Người. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một mong muốn dân tộc ta sẽ trở thành một dân tộc thông thái, đây cũng là khát vọng ngàn đời của một dân tộc mang trong mình niềm kiêu hãnh là con rồng cháu tiên. Nhưng ước muốn mãi mãi chỉ là ước muốn, nếu con người không thực sự nỗ lực để ước muốn trở thành hiện thực và có phương pháp đúng đắn. Hưởng ứng tuần lẽ học tập suốt đời năm 2021, Thư viện trường THCS Cầu Giấy giới thiệu cuốn sách “Bác Hồ với việc đọc và tự học” do Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà – Nguyên vụ trưởng vụ Thư viện – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sưu tầm và biên soạn. Sách dày 177 trang, khổ 20 cm. Cuốn sách giới thiệu với bạn đọc người bạn đường tri kỉ của chủ tịch Hồ Chí Minh ấy là sách báo. Bác Hồ của chúng ta có một tình yêu đặc biệt đối với sách báo từ rất sớm. Ở Người hình thành nhu cầu về văn hóa đọc sách báo. Có thể nói Người là hiện thân sinh động và cảm động về việc đọc và tự học. Việc tự học và đọc sách báo mỗi ngày với Hồ Chí Minh đã trờ thành nhu cầu không thể thiếu của đời sống và hoạt động. Đó thực sự là một tấm gương sống về giá trị và lựa chọn giá trị để chúng ta noi theo, nhất là đối với các bạn trẻ đang vào đời lập thân lập nghiệp.
Cuốn sách chia thành 3 phần: Bác Hồ với việc đọc, Bác Hồ với việc tự học, Bác Hồ phát biểu về sách báo, về việc học và tự học.
Trong phần hai của cuốn sách tác giả cho chúng ta cảm nhận được quan điểm của Hồ Chí Minh về tự học. Bác rất coi trọng phương pháp, nhất là tự học ngoại ngữ, học viết báo cùng những chỉ dẫn thiết thực mà Bác đã truyền kinh nghiệm cho chúng ta về cách nói, cách viết, cách thu thập tài liệu, cách sử dụng tài liệu, tư liệu vào việc nghiên cứu tuyên truyền sao cho đạt mục đích, tăng hiệu quả, hợp đối tượng. Đó thực sự là bài học quý cho mỗi chúng ta. Tác giả cũng cho chúng ta những hiểu biết cần thiết về quan điểm của Hồ Chí Minh, về vai trò của sách báo, phương pháp đọc sách của Người. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng cho chúng ta biết Bác Hồ đã sử dụng sức mạnh của báo chí như thế nào, Bác quan tâm tới công tác tuyên truyền giới thiệu sách báo ra sao. Và đặc biệt là sự quan tâm của Người tới Thư viện, công tác Thư viện mà Người nói là nơi đọc sách cho nhân dân. Bác Hồ đã từng nói “Cuộc sống là trường học vĩ đại nhất” bời Người đã trải nghiệm trực tiếp, đã sống, lao động, học tập và tranh đấu trong trường đời vĩ đại, đã thu lượm góp nhặt những kinh nghiêm trong thực tiễn bằng phương pháp thực hành sáng tạo. Đời sống thực tiễn như Người nói là người thầy vĩ đại cho chúng ta hiểu biết và những tri thức chắt lọc từ những gì tinh túy nhất của đời sống là những tri thức đáng tin cậy nhất. Chúng ta đang nỗ lực xây dựng xã hội học tập, muốn vậy phải chú trọng giáo dục ý thức, thái độ cho mọi người về việc tự học, học suốt đời theo chỉ dẫn của Bác Hồ. Còn sống là còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng Người căn dặn mỗi người nhất là thanh niên phải ham học, ham làm, ham tiến bộ. Cuốn sách giúp chúng ta có hiểu biết về việc đọc và tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh.