Giới thiệu sách chuyên đề

GIỚI THIỆU SÁCH CHUYÊN ĐỂ CHÀO MỪNG NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM

Gửi lúc 09/10/2023 10:30:46 AM

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ngay từ buổi đầu lập nước, khi gặp nạn ngoại bang xâm lược, bà Trưng, bà Triệu đã dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi quân thù. Thế kỷ XX, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lịch sử lại ghi nhận hàng vạn tấm gương phụ nữ, các chị, các mẹ không ngại gian khổ, không tiếc máu xương, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Nhân dịp chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Thư viện tỉnh Lai Châu xin giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách có tựa đề: “Gương sáng nữ Việt” nhằm tôn vinh và lưu giữ những giá trị tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Gương sáng nữ Việt/ Trần Đình Ba – H. : Lao động, 2009. – 258tr.; 20,5cm

Cuốn sách của tác giả Trần Đình Ba được nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2009, dày 258 trang in trên khổ sách 13x20.5cm. Hình tượng người phụ nữ anh hùng Việt Nam trong “Gương sáng nữ Việt” được chia làm năm phần (Gương thần nữ nổi tiếng, Gương nữ tướng, Gương nữ chiến sĩ tiêu biểu, Gương nữ lĩnh vực văn hóa, Gương nữ sáng chốn cung đình)

Mở đầu là những tấm gương của Thần nữ nổi tiếng. Tuy chỉ là thần thoại nhưng Mẹ Âu cơ đã được phong là quốc mẫu, tất cả chúng ta đều là đồng bào cũng được bắt nguồn từ đây và muôn đời sau cũng vậy. Câu chuyện kể về nàng Tiên Dung và chàng trai không khố Chữ Đồng Tử cũng làm cho người đọc xúc động bởi một chuyện tình đẹp như cổ tích. Truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh -  một trong Tứ bất tử trong tục thờ cúng dân gian của người Việt ta –  là bậc mẫu nghi về tài năng, đức độ cũng được tác giả sưu tầm kỹ lưỡng và còn nhiều vị thần nữ như Bà Chúa Kho, Bà Chúa Xứ, Mẫu Thượng ngàn...

Nếu tấm gương thần nữ chỉ là thần thoại thì các tấm gương Nữ tướng trong “gương sáng nữ Việt” là những con người tiêu biểu với những câu chuyện anh hùng đã trở thành huyền thoại của nước Việt ta. Hai Bà Trưng vốn dòng dõi con cháu Vua Hùng đã chỉ huy một cuộc khởi nghĩa vũ bão, làm cho tên thái thú khét tiếng gian ác Tô Định một phen hú vía phải trốn chạy về nước. Rồi, nữ tướng Lê Chân, tướng quân Thiều Hoa, Bà Triệu cũng vậy - khí phách trung kiên bất khuất của những người liệt nữ ấy còn vang mãi: “Thù nhà nợ nước hai vai, một gương liệt nữ muôn đời soi chung”.

Trong chúng ta, chắc rằng ai cũng đã đươc một lần nghe câu ca dao: “Ai về Bình Định mà coi, con gái Bình Định múa roi đi quyền” – đó chính là câu ca dao ca ngợi nữ tướng Bùi Thị Xuân – người con gái đất Bình Định nổi tiếng xinh đẹp, tài hoa cùng chồng phò Vua Quang Trung giúp nước trong khởi nghĩa Tây Sơn.

Tiếp tục lật mở sang phần thứ ba trong cuốn sách là tấm gương của những nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung anh dũng. Mười sáu tuổi, chị Minh Khai, chị Sáu đã chọn con đường hoạt động cách mạng là mục tiêu của đời mình, các chị luôn đặt vận mệnh đất nước lên đầu, thà hi sinh chứ nhất định không đầu hàng giặc. Khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, giữa gò đất cao nơi pháp trường nghiệt ngã ở Hóoc Môn, chị Minh Khai đã giật mảnh khăn đen bịt mắt vứt đi khảng khái nói: “Thưa đồng bào, chúng ta phải tiêu diệt đế quốc phong kiến thì đời sống mới sung sướng được”. Chị Sáu cũng đã anh dũng hi sinh khi tuổi đời vừa tròn mười chín, để lại trong lòng chúng ta niềm mến yêu, khâm phục lớn lao.

Hình ảnh người mẹ “Một tay lái chiếc đò ngang; Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày” không chỉ tồn tại trong lòng người dân Quảng Bình mà trong mỗi chúng ta ai cũng biết Mẹ Suốt đã đêm ngày vững tay chèo, bình tĩnh đưa bộ đội, dân quân qua sông trong tiếng bom gào, đạn rít trên đầu. Không thể đếm bao nhiêu vết đạn, mảnh bom trên những mảnh ván nơi con thuyền của mẹ, không thể kể hết được bao nhiêu con người, bao nhiêu tấn vũ khí, đạn dược đã qua sông trên con đò của mẹ. Chỉ biết rằng nhiều, rất nhiều mà thôi.

Với tay cuốc, tay xẻng mười cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc đã lấp hố bom, vá đường đêm ngày bảo đảm cho giao thông thông suốt, bất chấp bom đạn của địch, các cô gái đã hứng lấy luồng bom địch mà trước đó có khi đã biết trước mà trong lòng không hề đắn đo, suy nghĩ. Chúng ta hãy nén lòng mình trong giây lát để tưởng nhớ đến hình ảnh của các chị. Các chị mãi mãi ở trong lòng chúng ta.

Nàng Nguyễn Thị Lộ, luôn sáng ngời với tài năng, đức độ và phẩm hạnh  của mình như một vì tinh tú; Nàng Trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử phong kiến của nước ta Nguyễn Thị Du vừa xinh đẹp, thông thạo kinh sử, làm quan 3 đời chúa; Một Đoàn Thị Điểm với Truyền kỳ Tân phả và  bản dịch Chinh Phụ Ngâm có giá trị lớn lao; Một Hồ Xuân Hương  sắc sảo; Cô con gái thứ tư của cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu - Sương Nguyệt Anh tài sắc vẹn toàn … đều là những  người phụ nữ tiêu biểu trong lĩnh vực văn hóa của “Gương sáng nữ Việt”.

Những gương nữ sáng chốn cung đình như Hoàng hậu Dương vân Nga đã buông rèm nhiếp chính, Ỷ Lan nguyên phi đắp đê chống lụt, mở kho cứu đói cho dân khi mùa màng thất bát được nhân dân tôn là Quan âm. An Tư công chúa, Huyền Trân, Ngọc Hân công chúa đều là những hồng nhan bạc mệnh, hi sinh hạnh phúc riêng tư nơi khuê các của mình để đổi lấy lợi ích cho dân cho nước.

Xuyên suốt 250 trang sách là những tấm gương của người phụ nữ nước Việt mà chúng ta đáng trân trọng. Họ là những tấm gương sáng chói đại diện cho sức mạnh, cho truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Họ là “Gương sáng nữ Việt”. Chúng ta cùng học tập theo những tấm gương tiêu biểu ấy, giữ gìn những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.


Thư viện tỉnh
 ( 1.0 / 1 )
Chưa có ý kiến nào. Bạn hãy là người đầu tiên gửi ý kiến cho bài viết này.
Bộ gõ tiếng việt:
Gửi ý kiến Xóa form
Cảm ơn bạn đã gửi ý kiến!
Chúng tôi sẽ sớm xem xét ý kiến của bạn một cách nhanh nhất khi chúng tôi có thời gian!
Bài gần đây Quay lại | Lên đầu trang
Bài cùng chuyên mục
Xem thêm...
Video tư liệu