Đề xuất giải pháp xây dựng và phát triển các mô hình thư viện cơ sở cho nhân dân miền núi

Gửi lúc 11/06/2023 9:52:22 AM

Ngày 9/6, tại tỉnh Yên Bái, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo phục vụ soạn thảo “Đề án xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh/ thành phố; đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh miền núi phía Bắc; đại diện Thư viện Quốc gia Việt Nam, đại diện lãnh đạo các thư viện tỉnh/thành phố, thư viện lực lượng vũ trang, đại diện một số cơ sở giáo dục, đào tạo ngành thư viện  cùng các chuyên gia trong ngành thư viện.
T038a Hoi Thao Yen Bai
ThS. Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án, đồng thời nêu rõ để xây dựng Đề án trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số, việc xây dựng mô hình thư viện cơ sở tại các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc cần có những nhận diện mới, thiết thực, từ đó xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án trong giai đoạn 2025 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Thư viện cơ sở là một trong những loại hình thư viện gần với nhân dân, đặc biệt tại khu vực miền núi, biên giới – nơi có địa hình, cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn. Thư viện cấp xã, thư viện cơ sở cũng là nơi trực tiếp triển khai mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, là nơi để người dân học tập, giải trí, góp phần hình thành và phát triển kiến thức, kỹ năng, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân cách, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh. Vì vậy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành nhiều sự quan tâm, đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa đặc biệt là thiết chế thư viện khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa.
T038g Hoi Thao Yen Bai
Các mô hình thư viện cơ sở chủ yếu hiện nay tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc
Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế – xã hội, tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang làm thay đổi mọi mặt đời sống, sinh hoạt cũng như cách thức tiếp cận tìm hiểu thông tin, hình thức giải trí của người dân, hoạt động của thư viện cơ sở hiện còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tế.
Vì vậy, qua hội thảo lần này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể đánh giá thực trạng hoạt động của hệ thống thư viện cơ sở các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc, từ đó xác định những thuận lợi, khó khăn và rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức hoạt động trong những năm vừa qua. Từ đây xây dựng các mô hình thư viện cơ sở phù hợp, thiết thực, linh hoạt gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sát với thực tế.
Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã được nghe các tham luận tập trung quanh các vấn đề chính như: Thực trạng hoạt động thư viện cơ sở; Một số mô hình thư viện cơ sở; Công tác phối hợp xây dựng tủ sách cơ sở; Nguồn nhân lực; Các đề xuất và giải pháp xây dựng mô hình thư viện cơ sở…
Hầu hết các đại biểu là lãnh đạo các thư viện tỉnh/ thành phố tham gia đều có chung ý kiến về việc thư viện cơ sở, thư viện cấp xã hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều mô hình chưa phù hợp với thực tế do vậy hiệu quả hoạt động còn thấp. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực thư viện cơ sở thiếu và mỏng, hơn nữa đều là công chức xã kiêm nhiệm vì thế không thể đảm bảo đủ thời gian cho hoạt động thư viện. Ngoài ra những yếu tố tác động lớn tới hoạt động cũng như sự phát triển của hệ thống thư viện cơ sở phải kể đến: nguồn kinh phí hạn chế, không có không gian riêng phục vụ người đọc, số lượng đầu sách nghèo nàn, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi thói quen sinh hoạt, giải trí của người dân…

Nhiều ý kiến đóng góp nhằm tìm giải pháp để xây dựng các mô hình thư viện cơ sở phù hợp nhất phục vụ người dân miền núi, biên giới đã được các đại biểu nêu ra: tăng cường nguồn lực xã hội hoá cho hoạt động thư viện cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đọc sách, tăng cường công tác phối hợp luân chuyển sách nhằm đa dạng đầu sách, thường xuyên tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho người làm công tác thư viện cơ sở, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ nhằm đơn giản hoá việc đọc và tìm kiếm thông tin cho người dân…

Lan Hương

http://vuthuvien.bvhttdl.gov.vn/de-xuat-giai-phap-xay-dung-va-phat-trien-cac-mo-hinh-thu-vien-co-so-cho-nhan-dan-mien-nui/
 ( 3.0 / 0 )
Chưa có ý kiến nào. Bạn hãy là người đầu tiên gửi ý kiến cho bài viết này.
Bộ gõ tiếng việt:
Gửi ý kiến Xóa form
Cảm ơn bạn đã gửi ý kiến!
Chúng tôi sẽ sớm xem xét ý kiến của bạn một cách nhanh nhất khi chúng tôi có thời gian!
Bài gần đây Quay lại | Lên đầu trang
Bài cùng chuyên mục
Xem thêm...
Video tư liệu