1. Hồ Chí Minh - Nhật ký trong tù/ - H.: Văn học; 2006.– 278Tr.; 20,5 cm.
Cuốn sách Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù của nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2006 có 278 trang với 117 bài thơ được chọn lọc. Mỗi bài thơ đều được giới thiệu từ nguyên tác bằng chữ Hán đến dịch nghĩa và dịch thơ.
Nhật ký trong tù ra đời trong hoàn cảnh rất đặc khi HCM bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ và giải đi khắp 30 nhà giam ở 13 huyện của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc - từ tháng 8 năm 1942 đến tháng 9 năm 1943. Trong suốt những ngày tháng ở tù, tuy bị đày ải vô cùng cực khổ, Người vẫn làm thơ. Mặc dù:
Ngâm thơ ta vốn ko ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.
Người đã sáng tác 133 bài thơ bằng chữ Hán, ghi trong một cuốn số tay mà Người đặt tên là Ngục trung nhật kí. Ngoài 133 bài thơ, phần cuối tác phẩm là bút ký đọc sách và bút ký đọc báo ghi chép tóm tắt những thông tin quan trọng về chính trị, quân sự, văn hóa quốc tế và Việt Nam đương thời. Chính vì thế, tác phẩm vừa có giá trị về chính trị, lịch sử, vừa có giá trị về văn học.
Bằng những bài thơ, Bác đã ghi chép hết sức tỉ mỉ những điều mắt thấy tai nghe, đã phản ánh chân thực bộ mặt xấu xa, đen tối của chế độ nhà tù cũng như xã hội Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch. Qua đó, ta cảm nhận được những khổ cực mà Bác phải trải qua trong mười ba tháng bị đày ải:
Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,
Cay đắng chi bằng mất tự do?
Mỗi việc mỗi lời không tự chủ,
Để cho người dắt tựa trâu bò!
Hơn thế nữa, chân dung HCM trong tập thơ là hình ảnh nhà ái quốc vĩ đại, luôn hướng về Tổ quốc, khao khát tự do và là chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất. Dù bị đầy đọa trong lao tù Người vẫn:
Kiên trì và nhẫn nại
Không chịu lùi một phân
Vật chất tuy đau khổ
Không nao núng tinh thần
Bởi: Gian nan rèn luyện mới thành công.
2. Hồ Chí Minh – 474 ngày độc lập/Đỗ Hoàng Linh- H. : Hồng Bàng; 2013.– 295 Tr.; 20,5 cm.
Cuốn sách "Hồ Chí Minh 474 - Ngày Độc Lập (Giai Đoạn 1945 - 1946) của tác giả Đỗ Hoàng Linh ghi lại những sự kiện hoạt động vô cùng phong phú, sôi động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 16 tháng nóng bỏng, cam go ngày từ ngày độc lập đầu tiên 2/9/2945 đến ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Qua 474 ngày đối phó với thù trong, giặc ngoài, sự lãnh đạo kiệt xuất, trí tuệ thiên tài của chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện rõ nét, sinh động và trở thành nhân tố quyết định thắng lợi cho chiến lược trường kỳ kháng chiến, bảo vệ nền độc lập non trẻ của nhân dân ta.
"Lòng nhân của Hồ Chủ Tịch là sự kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa nhân đạo cách mạng truyền thống đạo đức và nền văn hiến dân tộc. Lòng nhân của Hồ Chủ Tịch không chỉ dừng ở mức đồng cảm, xót thương với con người một cách thụ động mà nó tích cực ở chỗ kiên quyết và không ngừng đấu tranh để xóa bỏ khổ đau cho con người." - Nhà cách mạng lão thành Hà Huy Giáp.
3. Người đi tìm hình của nước (giai đoạn 1911 - 1930) /Đỗ Hoàng Linh; - H.: Hồng Bàng; 2013.– 275Tr.; 20,5cm.
Cuốn sách “Người đi tìm hình của nước: Giai đoạn 1911 - 1930” của tác giả Đỗ Hoàng Linh sẽ mang chúng ta đến một thế giới riêng mà ở đó chỉ có sự tự do và niềm hạnh phúc - đó là thế giới nội tâm của Hồ Chí Minh vĩ đại.
Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ là một trường học lớn, một kho bách khoa thư vô giá. Tấm gương Bác Hồ tỏa ra sức mạnh tinh thần kỳ diệu, sức mạnh ấy là động lực trong mỗi con người Việt Nam. Lời dạy và việc làm của Người là kim chỉ nam để mỗi chúng ta nhận rõ hướng đi và cách đi đúng đắn cho mình.
Với cái tên Văn Ba, Nguyễn Tất Thành đã lên tàu rời đất nước, không phải là một thân sĩ mà chỉ là một người lao động bình thường với đôi bàn tay trắng, với một ý chí mãnh liệt, một nghị lực phi thường dấn thân vào cuộc trường chinh gian lao để đi tìm hình bóng một Tổ Quốc tự do của ngày mai.
Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thần kỳ của Người lãnh đạo đã gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột, thực hiện các quyền tự do dân chủ cơ bản cho mọi người. Từ quan điểm gắn liền độc lập dân tộc với tự do của con người, Hồ Chí Minh đã sớm phất cao ngọn cờ bảo vệ nhân quyền chân chính, vì các quyền dân tộc cơ bản và quyền cơ bản của con người, ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đến với cuốn sách, chúng ta sẽ như sống lại một thời oanh liệt hào hùng của ông cha ta, để từ đó phấn đấu, học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy.
4. Hồ Chí Minh Đạo đức là gốc của người cách mạng /Bùi Đình Phong; - H.: Dân trí; 2016.– 303Tr.; 20,5 cm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng mà còn là nhà tư tưởng lớn về đạo đức. Tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người thể hiện sâu sắc trong các bài viết, bài nói chuyện và toát lên từ chính cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, có ý nghĩa thiết thực đối với công tác giáo dục, rèn luyện, trau dồi phẩm chất, đạo đức, nhân cách người cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nội dung tư tưởng đạo đức cách mạng tập trung, nổi bật ở luận điểm: "Đạo đức là cái gốc của người cách mạng". Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người luôn quan tâm chăm lo xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; luôn coi đạo đức là "cái gốc" của người cách mạng, Người ví đạo đức cách mạng như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, của suối. Theo Người, điều kiện tiên quyết để người cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ là phải có đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Đạo đức là cái gốc của người cách mạng, bởi vì nó liên quan trực tiếp tới khả năng và quyết định hiệu quả "gánh vác" công việc của Đảng cầm quyền.
Cuốn sách “Hồ Chí Minh Đạo đức là cái gốc của người cách mạng” của tác giả Bùi Đình Phong gồm những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng chung cho mọi người. Đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Đạo đức cách mạng với lực lượng vũ trang. Một số bài thơ nói về sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.
|