In bài viếtThứ Tư, Ngày 15 tháng 11 năm 2023 - 10:51

Giới thiệu sách tháng 11 Chuyên đề “Ngày nhà giáo Việt Nam”

Ngày 20-11 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023), Thư viện tỉnh Lai Châu xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc quyển sách: “Chu Văn An – Hiệu trưởng đầu tiên Trường Quốc Tử Giám” của tác giả Vũ Ngọc Khánh, được NXB Văn hóa – Thông tin ấn hành năm 2014.

Chu Văn An sinh năm 1292 tại xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông là nhà giáo, thầy thuốc, đại quan dưới triều Trần. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Chu Văn An "tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc". Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, "học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa". Chu Văn An là thầy giỏi nhưng nghiêm khắc, trọng tài năng của học trò và ghét những người cậy giàu ham chơi. Học trò của ông có nhiều người giỏi, có công giúp nước như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, hai quan lớn của triều Trần. Sinh thời, ông được dân chúng tôn là "Vạn thế sư biểu", nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam. 

Những câu chuyện kể về cuộc đời, sự nghiệp dạy học của thầy Chu Văn An - một bậc hiền nho, suốt đời không màng lợi danh, luôn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Với cốt cách thanh cao, tinh thần trong sáng, trí tuệ sâu sắc và đạo học vững vàng, ông là một nhân cách lớn, đứng đầu trong lịch sử giáo dục Nho học nước nhà.

Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho thành lập trường Quốc Tử Giám để dạy học cho các hoàng tử và sau đó cho cả con cái quan lại trong triều đình. Năm 1253, vua Trần Thái Tông đã cho phép mở rộng cánh cửa trường học đối với các sĩ tử xuất sắc đến từ khắp cả nước để học tập và có cơ hội trở thành quan đại thần phục vụ đất nước. Với hơn 700 năm hoạt động, trường học đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước liên tục từ năm 1076 đến năm 1779. Do đó không thể phủ nhận rằng Quốc Tử Giám là trung tâm giáo dục lớn nhất trên cả nước dưới thời phong kiến và nó xứng đáng được gọi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể không nhắc đến danh sư Chu Văn An (1292 – 1370), vị học giả nổi tiếng mà tên tuổi của ông đã trở thành tấm gương đạo đức cho sự liêm khiết và tận tâm với công việc giáo dục đào tạo của đất nước. Với vị trí hiệu trưởng đầu tiên của trường đại học quốc gia trong 40 năm, ông là nhà giáo duy nhất có vinh dự được thờ phụng tại Văn Miếu.

Có thể nói, Chu Văn An đã dành cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước. Thầy không chỉ là người thầy đã thành công trong việc truyền đạt kiến thức Nho gia để đào tạo môn sinh mà còn là người đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc truyền đạt, giảng giải tri thức với việc giảng dạy đạo làm người, làm quan.