In bài viếtThứ Năm, Ngày 16 tháng 2 năm 2023 - 16:10

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 2 Năm 2023

Dân tộc Việt Nam có lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước với nhiều chiến công vô cùng lẫy lừng và hào hùng. Tuy nhiên, với biết bao sự kiện, biến cố trong suốt hàng ngàn năm thì việc lĩnh hội kiến thức lịch sử một cách đầy đủ và sâu sắc là không phải dễ dàng, nhất là khi thời lượng dành cho môn lịch sử ở trường học còn quá ít. Vì thế nên không ít người sẽ rơi vào tình huống lúng túng khi được gặp phải một câu hỏi về lịch sử nước nhà, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. 

Thư viện tỉnh Lai Châu xin trân trọng gửi tới đọc giả 1 số cuốn sách về Lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ.

1. Việt Nam biên niên sử/ Đặng  Duy  Phúc –H.: Hà Nội, 2009.– 392Tr.; 20.5cm.

          Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam của đông đảo bạn đọc, cũng như cung cấp cho các bạn đọc trẻ tuổi một cái nhìn tổng quan và toàn diện về tiến trình lịch sử Việt Nam, trân trọng giới thiệu ấn phẩm “Việt Nam biên niên sử” do Đặng Duy Phúc biên soạn. Cuốn sách dày 392 trang, do Nhà xuất bản Hà Nội phát hành năm 2009. “Việt Nam biên niên sử” hệ thống lại những tiến trình lịch sử Việt Nam qua các triều đại và thời kì lịch sử từ thời tiền sử đến Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không chỉ là những sự kiện lịch sử khô cứng, cuốn sách còn đề cập đến tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa… của đất nước qua từng giai đoạn cụ thể góp phần giúp độc giả có những hình dung rõ ràng và cụ thể nhất về lịch sử của Việt Nam. Từ đó hình thành, nuôi dưỡng tình yêu và niềm tự hào về dân tộc Việt Nam, một dân tộc anh hùng.

2. Lịch sử nhà nguyễn một cách tiếp cận mới / - H. : Đại học sư phạm, 2011. – 719tr.: 20,5cm

Lịch sử nhà Nguyễn - một cách tiếp cận mới” là công trình nghiên cứu của các nhà sử học và nhiều nhà giáo giảng dạy lịch sử Việt Nam thời nhà Nguyễn (1802 - 1945). Sự tồn tại của vương triều Nguyễn suốt 143 năm trong dòng chảy lịch sử dân tộc đã gây ra nhiều tranh cãi trong giới sử học nói riêng và giới khoa học xã hội Việt Nam nói chung. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm hy vọng “Lịch sử nhà Nguyễn - một cách tiếp cận mới” góp phần giúp bạn dọc có cái nhìn khách quan về lịch sử thời Nguyễn, tránh những bất cập trong đánh giá lịch sử thời kỳ này.  “Lịch sử nhà Nguyễn - một cách tiếp cận mới” gồm 3 phần: Phần I: Một số yêu cầu về phương pháp luận trong nghiên cứu và dạy học lịch sử thời Nguyễn. Phần II: Một số vần đề lịch sử thời Nguyễn. Phần III: Về phương pháp dạy học lịch sử thời Nguyễn.

3. Đại Việt sử ký toàn thư tập 1/ - H.: Văn hóa – Thông tin, 2006.– 731Tr.; 20,5cm.

          Đại Việt sử ký toàn thư, đầu tiên là Sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên dựa vào bộ Đại  Việt sử ký của Lê Văn Hưu và bộ Sử ký tục biên của Phan Phu Tiên viết ra vào hồi nửa cuối thế kỷ XV. Đến năm Ất Tị (1665) đời vua Lê Huyền Tôn (Cảnh Trị thứ3), Tây vương Trịnh Tạc sai Phạm Công Trứ khảo đính bộ Sử ký toàn thư của họ Ngô và viết thêm phần Bản kỷ tục biên. Đại Việt sử ký toàn thư được Phạm Công Trứ sửa chữa và bổ sung, mười phần mới in được năm sáu phần. Đến năm Đinh Sửu (1697) đời vua Lê Huyền Tôn, Định vương Trịnh Căn sai bọn Lê Hi và Nguyễn Quý Đức sửa chữa và làm nốt phần Bản kỷ tục biên từ năm 1663 đến năm 1675. Như vậy là Đại Việt sử ký toàn thư mà chúng ta hiện có không phải là sách chỉ do Ngô Sĩ Liên soạn mà là do nhiều người viết ở các thời kỳ khác nhau như đã nói ở trên.

4. Văn hóa Việt Nam truyền thống một góc nhìn/ Nguyễn Thừa Hỷ - H.: Thông tin và truyền thông, 2012. – 599 Tr.; 24cm.

Ở Việt Nam, trong vòng một thế kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc biến động, đổi thay, xáo trộn và đấu tranh văn hóa. Ngày nay, trong quá trình hội nhập và phát triển, trước cơn lốc xoáy về tư tưởng, lối sống và hệ giá trị, chúng ta lại đang đứng giữa giao lộ của những ngã rẽ chưa có biển chỉ đường rõ ràng. Chúng ta đang được động viên, khích lệ, mà cũng đồng thời đang bị đe dọa, dối lừa bởi văn hóa.     Cuốn sách "Văn hóa Việt Nam truyền thống: một góc nhìn" của tác giả Nguyễn Thừa Hỷ sẽ là một tài liệu rất có giá trị trong công cuộc học tập, nghiên cứu và quảng bá lịch sử văn hóa Việt Nam. Do đó, đối tượng của cuốn sách là vô cùng rộng rãi, bao gồm các tầng lớp học sinh, sinh viên, những nhà nghiên cứu cùng tất cả những ai yêu mến và nhiệt huyết với nền văn hóa nước nhà.

 5. Ba nhà cải cách/ Vũ Ngọc Tiến. – H; Văn nghệ, 2007 – 715Tr.; 20,5cm.

Thật ra đây là một bộ tiểu thuyết ‘Ba nhà cải cách’ của tác giả Vũ Ngọc Tiến  khởi viết từ cuối năm 1995, hoàn thành cơ bản từ năm 2000, sau đó có bổ sung, sửa chữa hoặc viết lại một số phần trong hai năm 2001- 2002.  Là 3 cuộc cải cách khá toàn diện và điển hình trong 12 cuộc cải cách trong lịch sử dân tộc ta từ thế kỷ thứ VIII đến đầu thế kỷ XX gắn với 3 nhân vật lịch sử ít được nhắc đến là Khúc Hạo (đầu thế kỷ X), Trần Thủ Độ (thế kỷ XIII) và Đào Duy Từ (thế kỷ XVII) để viết truyện về họ, mỗi người một bài học cả thành công lẫn thất bại trong cải cách.

6. Vị  tướng Khởi nguồn gió đại phong/ – H; Thời đại, 2012 – 661Tr.; 24cm.

Ở chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã suy tính đến một ngày khi chiến tranh đi qua, đồng đất này phải làm sao ra sản lượng trên 30 triệu tấn lương thực để có thể nuôi sống được 90 đến 100 triệu dân. Dự báo ấy, lời tiên tri ấy bắt nguồn từ những năm tháng lăn lộn với nông dân để xây dựng phong trào Gió đại phong, đến nay đã thành sự thật. Để tỏ lòng kính yêu đối với vị tướng tài ba; đồng thời giới thiệu đến bạn đọc về cuộc đời hoạt động cách mạng, cũng như những tình cảm của những người đồng chí, đồng đội, những người đã từng làm việc, từng sát cánh bên cạnh Đại tướng trong chiến đấu cũng như trong đời thường. Tất cả những tình cảm ấy được ghi lại một cách sinh động, rõ ràng và chân thực trong tập sách: "Vị tướng khởi nguồn gió đại phong" của nhà xuất bản Thời đại