In bài viếtThứ Năm, Ngày 27 tháng 10 năm 2016 - 16:22

THƯ VIỆN TỈNH VỚI CÔNG TÁC BỔ SUNG VỐN TÀI LIỆU

Trong bốn yếu tố cấu thành hoạt động thư viện thì vốn tài liệu là yếu tố quan trọng hàng đầu. Công tác bổ sung tài liệu là khâu đầu tiên quyết định số lượng, chất lượng vốn tài liệu của thư viện, tạo nên tiềm lực thông tin của thư viện. Công tác bổ sung không chỉ có ý nghĩa đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, mà còn là tiêu chí cơ bản trong việc xác định vị thế của thư viện và vai trò của sách báo trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.

Cán bộ làm công tác bổ sung tài liệu

Thư viện tỉnh Lai Châu được thành lập theo Quyết định số: 70/2004/QĐ-UB ngày 20 tháng 10 năm 2004 của Ủy ban nhân tỉnh Lai Châu. Những ngày đầu thành lập, cùng chung với những khó khăn của một tỉnh mới được chia tách và thành lập, Thư viện tỉnh gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt là vốn tài liệu. Với vốn sách ban đầu bằng không, ngân sách bổ sung chưa có, tập thể cán bộ cơ quan luôn trăn trở: “Thư viện hoạt động như thế nào với điều kiện như thế này?”. Trong hoàn cảnh khó khăn đó giải pháp xin sách tài trợ của các nhà xuất bản và sự ủng hộ của Vụ Thư viện và Thư viện quốc gia đã bước đầu đạt kết quả. Mặc dù chỉ là sách được tài trợ, cho, biếu, số lượng và nội dung sách không được như những gì mong đợi nhưng đó cũng là nền tảng ban đầu để tập thể cán bộ thư viện tỉnh an tâm phấn đấu.

Nhưng năm tiếp theo, mặc dù kinh phí dành cho việc bổ sung tài liệu đã có nhưng không nhiều. Bình quân hàng năm kính phí dành cho việc bổ sung tài liệu từ khoảng từ 70 - 80 triệu đồng/năm. Với số kinh phí ít ỏi, hơn nữa thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú và đa dạng, giá sách lại cao khó khăn lại đặt ra với thư viện tỉnh là: Làm thế nào để lựa chọn được những cuốn sách hay, có giá trị, phù hợp với nhu cầu của bạn đọc trong trong tỉnh? Để giải quyết khó khăn đó, cán bộ thư viện phải điều tra kỹ nhu cầu của bạn đọc, dựa trên đặc điểm, tình hình của tỉnh, lựa chọn những tài liệu nào thực sự cần thiết để bổ sung, tránh bổ sung tràn lan, kém hiệu quả.

Ngoài nguồn bổ sung từ kinh phí hàng năm, Thư viện tỉnh còn tích cực vận động việc xã hội hóa thư viện bằng các hoạt động: Phát động quyên góp ủng hộ sách nhân Ngày sách và bản quyền thế giới; tích cực kêu gọi sự hỗ trợ từ Vụ Thư viện, Thư viện Quốc gia, thư viện các tỉnh bạn và các nhà sách, nhà xuất bản.

Đến nay, sau hơn 10 năm cố gắng, Thư viện Lai Châu đã có số vốn tài liệu khoảng 50 nghìn bản sách. Mặc dù còn nhiều hạn chế và không so sánh được với các thư viện tỉnh bạn, nhưng đó đã là một sự nỗ lực không nhỏ của tập thể cán bộ Thư viện tỉnh Lai Châu.

Trong thời gian sắp tới, để công tác bổ sung tài liệu đạt hiệu quả cao, để vốn tài liệu của Thư viện tỉnh đáp ứng được nhu cầu bạn đọc, bên cạnh việc chủ động xây dựng kế hoạch bổ sung tài liệu của thư viện, đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư, tăng cường mạnh mẽ và kịp thời hơn nữa của tỉnh về kinh phí bổ sung vốn tài liệu, và cần hơn nữa sự ủng hộ của các cơ quan cấp trên, nhà sách, nhà xuất bản để Thư viện tỉnh Lai Châu xứng đáng là “Trung tâm thông tin, học tập, văn hóa năng động của địa phương”.